UNG THƯ NỘI MẠC TỬ CUNG CÓ CHỮA ĐƯỢC KHÔNG? CÓ TÁI PHÁT KHÔNG?

Ung thư nội mạc tử cung là căn bệnh âm thầm, nguy hiểm, thường chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống của phụ nữ. Vậy ung thư nội mạc tử cung có chữa được không? Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời đóng vai trò như thế nào đến tỷ lệ chữa bệnh. Mời bạn đọc theo dõi bài viết bên dưới.

Ung thư nội mạc tử cung có chữa được không?

Khả năng chữa khỏi ung thư nội mạc tử cung phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn phát hiện bệnh. Nếu bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm ngay từ giai đoạn đầu khi mà các tế bào ung thư vẫn chưa lan rộng ra bên ngoài tử cung thì tỷ lệ chữa khỏi có thể lên đến khoảng 90%. Việc phát hiện và can thiệp kịp thời giúp tăng cơ hội phục hồi sức khỏe, mang lại nhiều hy vọng và niềm tin cho bệnh nhân.

Yếu tố ảnh hưởng đến khả năng điều trị thành công

Khả năng điều trị thành công ung thư nội mạc tử cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, một số yếu tố chính có tác động lớn đến quá trình điều trị như: (1)

1. Thời điểm phát hiện

Thời điểm phát hiện bệnh là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn đến khả năng điều trị thành công của bệnh. Một số triệu chứng xuất hiện ban đầu như chảy máu âm đạo bất thường không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, chảy máu âm đạo sau mãn kinh; đau bụng dữ dội hay đau nhức vùng xương chậu; sụt cân không rõ nguyên nhân; mệt mỏi, khó chịu kéo dài;… có thể là dấu hiệu của ung thư, chị em cần lưu ý và thăm khám sức khỏe ngay.

Phát hiện bệnh sớm sẽ giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị hiệu quả, tối ưu chi phí và tăng khả năng chữa khỏi. Ngược lại, phát hiện muộn khi bệnh đã tiến triển nhanh, di căn, thì việc điều trị khó khăn hơn và giảm tiên lượng sống.

2. Sức khỏe của người bệnh

Sức khỏe tổng quát của bệnh nhân cũng là yếu tố quan trọng và có ảnh hưởng đến kết quả điều trị bệnh. Bệnh nhân có sức đề kháng tốt, hệ miễn dịch khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý nền nghiêm trọng khác sẽ có khả năng đáp ứng tốt các phương pháp điều trị và có khả năng hồi phục cao hơn. Ngược lại, ở những bệnh nhân có sức khỏe yếu hoặc có bệnh lý nền kèm theo có thể làm quá trình điều trị khó khăn hơn.

3. Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị được áp dụng cũng  ảnh hưởng đến kết quả của quá trình điều trị. Áp dụng kỹ thuật tiên tiến, phương pháp phù hợp với tình trạng bệnh nhân sẽ tối ưu hiệu quả chữa trị. (2)

Một số phương pháp chính thường được sử dụng để điều trị ung thư nội mạc tử cung như phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Trong đó, phẫu thuật cắt bỏ tử cung và các mô xung quanh thường được ưu tiên lựa chọn để loại bỏ khối u và ngăn chặn sự lan rộng của bệnh.

Đối với những trường hợp không thể thực hiện được phẫu thuật hoặc bệnh tình có tiến triển nặng hơn, xạ trị và hóa trị có thể được chỉ định thực hiện để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại hoặc những tế bào đã lan rộng ra ngoài tử cung. Ngoài ra, trong một số trường hợp bác sĩ có thể sẽ kết hợp nhiều phương pháp điều trị cùng lúc để mang lại hiệu quả cao hơn.

4. Tuân thủ phác đồ điều trị

Tuân thủ chính xác phác đồ điều trị là yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị ung thư nội mạc tử cung. Bệnh nhân cần phải tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng thuốc, thời gian điều trị cũng như lịch trình tái khám định kỳ.

Việc bỏ qua hoặc không tuân thủ đúng phác đồ có thể khiến ung thư tái phát hoặc kháng lại các phương pháp điều trị. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị mà còn làm giảm khả năng sống sót của bệnh nhân. Do đó, việc tuân thủ đầy đủ các chỉ định của bác sĩ và kiên trì trong suốt quá trình điều trị sẽ giúp gia tăng cơ hội sống và bảo vệ sức khỏe lâu dài cho bệnh nhân.

5. Đội ngũ bác sĩ và cơ sở y tế

Đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, tay nghề giỏi và cơ sở y tế hiện đại góp phần quyết định rất lớn đến kết quả điều trị ung thư nội mạc tử cung. Bác sĩ với kinh nghiệm dày dặn không chỉ giúp đưa ra chẩn đoán chính xác mà còn lên kế hoạch điều trị khoa học, hiệu quả và phù hợp với từng bệnh nhân.

Các cơ sở y tế được trang bị đầy đủ các thiết bị chẩn đoán và điều trị hiện đại, có đội ngũ chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị, giúp tăng khả năng điều trị thành công.

Ung thư nội mạc tử cung có tái phát không?

Sau khi điều trị ung thư nội mạc tử cung, bệnh nhân thường lo lắng về khả năng tái phát của bệnh. Trên thực tế, đây là lo lắng có căn cứ. Ung thư nội mạc tử cung có khả năng tái phát sau điều trị. Do đó, bệnh nhân cần theo dõi sức khỏe định kỳ sau điều trị để có thể phát hiện kịp thời nếu có ung thư tái phát do di căn đến những cơ quan khác. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu cho thấy đối với ung thư nội mạc tử cung ở giai đoạn I, 90% người bệnh sẽ không tái phát ung thư sau 5 năm.

Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm bệnh

Phát hiện sớm ung thư nội mạc tử cung có vai trò trong việc cải thiện hiệu quả điều trị, hồi phục sức khoẻ và tối ưu chi phí, thời gian cho người bệnh. Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu, các phương pháp điều trị đơn giản và ít xâm lấn hơn, khả năng chữa khỏi có thể đạt tới 90%. Vì thế người bệnh cần lưu tâm hơn đến sức khỏe của bản thân, chú ý đến các triệu chứng chảy máu âm đạo bất thường, đau bụng dưới hoặc các triệu chứng bất thường khác từ cơ thể. (3)

Thăm khám định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn, bao gồm ung thư nội mạc tử cung. Các biện pháp kiểm tra như siêu âm đánh giá lớp nội mạc tử cung, soi cổ tử cung và làm xét nghiệm tế bào học, xét nghiệm sinh thiết nội mạc tử cung khi cần thiết. Phát hiện sớm không chỉ giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội điều trị thành công mà còn giảm thiểu các biến chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và duy trì sức khỏe lâu dài.

Vì vậy, tất cả phụ nữ, đặc biệt là những người có nguy cơ cao như phụ nữ trên 50 tuổi hoặc có tiền sử bệnh lý phụ khoa, cần thực hiện thăm khám định kỳ và duy trì lối sống lành mạnh.

Tỷ lệ sống sót của bệnh

Theo nhiều số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ sống sót sau 5 năm cho bệnh nhân phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn đầu (giai đoạn 1) có thể lên đến 95% và hơn 80% đối với những bệnh nhân được chẩn đoán sớm trong quá trình phát triển của bệnh.

Ngược lại, nếu bệnh đã bắt đầu di căn và lan rộng sang các cơ quan khác, việc điều trị sẽ trở nên phức tạp hơn và tiên lượng sống của bệnh nhân giảm đáng kể. Do đó, phát hiện sớm và điều trị kịp thời là yếu tố then chốt, giúp tăng tỷ lệ sống sót, cải thiện hiệu quả điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Một số lưu ý sau khi điều trị để hạn chế nguy cơ tái phát

Sau khi điều trị ung thư nội mạc tử cung, bệnh nhân nên lưu ý và thực hiện tốt các yếu tố sau để hạn chế nguy cơ tái phát bệnh. Cụ thể:

  • Bệnh nhân cần kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ sau khi điều trị ung thư nội mạc tử cung. Việc theo dõi sẽ phát hiện sớm nếu ung thư có tái phát.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học. Ăn các thức ăn giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất; hạn chế sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn và nhiều đường. Điều này giúp người bệnh tăng cường sức khỏe tổng thể, hạn chế các yếu tố rủi ro làm tái phát bệnh tình.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao hoặc tập luyện ít nhất từ 15 – 30 phút mỗi ngày. Các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội,… không chỉ giúp cải thiện sức khỏe, làm giảm căng thẳng, lo âu mà còn hỗ trợ tốt cho quá trình hồi phục sau điều trị.
  • Quản lý tốt các bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì… vì các tình trạng này có thể dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe lâu dài cho phụ nữ mắc ung thư nội mạc tử cung.

Cần làm gì nếu ung thư tái phát?

Dù tiên lượng điều trị thành công khá cao ở giai đoạn sớm nhưng bệnh vẫn có tỷ lệ tái phát. Vì vậy, nếu phát hiện ung thư tái phát, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ điều trị để có kế hoạch điều trị hợp lý, phù hợp với từng người.

Tùy thuộc vào tình trạng tái phát và độ nghiêm trọng của bệnh cùng với sức khỏe hiện tại của bệnh nhân, bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị như phẫu thuật cắt bỏ các khối u, xạ trị, hóa trị,… hoặc các phương pháp khác nhằm hạn chế bệnh có tiến triển nhanh và gây ra các biến chứng nghiêm trọng đồng thời bảo vệ tốt sức khỏe của bệnh nhân.

Tóm lại, ung thư nội mạc tử cung có chữa được không là câu hỏi mà nhiều người bệnh quan tâm. Đây là một bệnh lý nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, ung thư nội mạc tử cung hoàn toàn có thể chữa được, với tiên lượng tốt và tỷ lệ thành công cao.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn tham khảo: Bệnh viện Tâm Anh

  1. Mahdy, H., Casey, M. J., Vadakekut, E. S., & Crotzer, D. (2024, April 20). Endometrial cancer. StatPearls – NCBI Bookshelf. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK525981/
  2. Treating endometrial Cancer | Uterine Cancer Treatment. (n.d.). American Cancer Society. https://www.cancer.org/cancer/types/endometrial-cancer/treating.html
  3. Endometrial cancer – Diagnosis and treatment – Mayo Clinic. (n.d.). https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/endometrial-cancer/diagnosis-treatment/drc-20352466