CẤP BÁO NGUY HIỂM: 4 GIAI ĐOẠN UNG THƯ ÂM HỘ Ở PHỤ NỮ

Ung thư âm hộ là một trong sáu loại ung thư phụ khoa phổ biến ở phụ nữ, thuộc nhóm bệnh nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và có nguy cơ đe dọa tính mạng. Theo thống kê, tỷ lệ mắc ung thư âm hộ ngày càng gia tăng, đặc biệt ở phụ nữ lớn tuổi hoặc những người có tiền sử gia đình liên quan đến căn bệnh này.

Với sứ mệnh đồng hành cùng phái đẹp trong việc chăm sóc sức khỏe toàn diện, VZONE không chỉ mang đến thông tin chính xác và khoa học về ung thư âm hộ mà còn cung cấp các giải pháp hỗ trợ phòng ngừa hiệu quả. Việc tìm hiểu kỹ về các giai đoạn bệnh và các biện pháp phòng tránh không chỉ giúp chị em bảo vệ sức khỏe, mà còn chủ động hơn trong việc nhận diện và xử lý kịp thời khi bệnh có diễn biến phức tạp.

Cùng VZONE, hãy xây dựng lá chắn sức khỏe vững vàng để bảo vệ bản thân và những người phụ nữ bạn yêu thương.

Xác định giai đoạn ung thư âm hộ như thế nào?

Đây chính là bước quan trọng để bác sĩ có thể nắm được tình trạng bệnh lý và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. (1)

Hiện nay, có hai hệ thống thường được sử dụng để phân loại ung thư âm hộ đó là hệ thống FIGO (Liên đoàn Sản Phụ khoa Quốc tế) và hệ thống phân loại TNM AJCC (Ủy ban Ung thư Hoa Kỳ). Về cơ bản, cả 2 hệ thống này đều phân chia các giai đoạn của của căn bệnh này là giống nhau và dựa trên 3 thông tin chủ yếu:

  • Kích thước của khối u (Tumor – T): Đánh giá kích thước và mức độ xâm lấn của khối u vào các mô lân cận. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem khối u có phát triển ra bên ngoài âm hộ và có ảnh hưởng đến các mô xung quanh hay không.
  • Mức độ lây lan đến các hạch bạch huyết lân cận (Node – N): Chỉ số này phản ánh tình trạng của các hạch bạch huyết lân cận. Trong trường hợp khối u đã lan đến các hạch bạch huyết thì bệnh đã có những tiến triển nhanh và nghiêm trọng, quá trình điều trị sẽ trở nên phức tạp và khó khăn hơn.
  • Mức độ di căn đến các vị trí xa hơn (Metastasis – M): Đây là chỉ số cho biết bệnh có di căn sang các cơ quan, bộ phận ở xa khác của cơ thể như phổi, gan, xương,… không. Nếu ung thư âm hộ đã di căn thì quá trình điều trị sẽ càng khó khăn, phức tạp, cần nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, tiên lượng sống của bệnh nhân sẽ giảm đáng kể.

Để xác định các giai đoạn của ung thư âm hộ, bác sĩ sẽ kết hợp nhiều phương pháp chẩn đoán khác nhau, bao gồm:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra trực quan vùng âm hộ của bệnh nhân để tìm kiếm các dấu hiệu bất thường như khối u, tổn thương hoặc những thay đổi về màu sắc của vùng âm hộ.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường được dùng như siêu âm, chụp MRI, chụp CT, chụp X-quang,… Thông qua phương pháp này, bác sĩ sẽ nhìn nhận được chi tiết và rõ ràng hơn về tình trạng bệnh tình bên trong cơ thể. Những hình ảnh này sẽ giúp bác sĩ xác định được chính xác kích thước và vị trí của khối u, quan sát được tác động, ảnh hưởng của các tế bào ung thư này đến các cơ quan lân cận khác.
  • Sinh thiết: Phân tích mẫu mô từ khối u để xác định tính chất và loại tế bào ung thư. Điều này rất quan trọng trong việc xác định phương pháp điều trị phù hợp.

Ung thư âm hộ có mấy giai đoạn?

Ung thư âm hộ được chia thành 4 giai đoạn chính. Mỗi giai đoạn sẽ có những đặc điểm, triệu chứng và phương pháp điều trị khác nhau (2). Cụ thể:

1. Giai đoạn 1

Giai đoạn 1 được xem là giai đoạn khởi phát của ung thư âm hộ. Trong giai đoạn này, khối u thường khá nhỏ, có kích thước dưới 2 cm, các khối u chỉ ở âm hộ và chưa có sự xâm lấn sâu vào các mô lân cận. Các biểu hiện của bệnh thường rất nhẹ nhàng, dễ gây nhầm lẫn với các vấn đề phụ khoa khác, bao gồm:

  • Ngứa: Cảm giác ngứa ngáy có thể xuất hiện tại vùng âm hộ, nhưng nhiều phụ nữ thường cho rằng đây là vấn đề bình thường và không chú ý.
  • Đau nhẹ: Một số chị em có thể cảm thấy đau nhẹ khi chạm vào vùng âm hộ.
  • Tổn thương nhỏ: Sự xuất hiện của các tổn thương nhỏ hoặc mụn cóc có thể không được chú ý, vì các tổn thương này có thể không gây đau hoặc khó chịu.

Đây được xem là “thời điểm vàng” để can thiệp điều trị bệnh. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân có thể lên đến khoảng 90%. Phương pháp điều trị chủ yếu ở giai đoạn này thường là phẫu thuật cắt bỏ khối u, có thể kết hợp với xạ trị để đảm bảo không còn sót tế bào ung thư.

2. Giai đoạn 2

Giai đoạn 2 là giai đoạn khối u có sự phát triển nhanh chóng. Kích thước của khối u lớn hơn giai đoạn 1 và bắt đầu có hiện tượng xâm lấn sâu và di căn vào các mô âm hộ gần đó như phần dưới của âm đạo, phần dưới của niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể), phần dưới của lỗ thông và hậu môn. Những triệu chứng biểu hiện của bệnh ở thời điểm này có thể trở nên rõ ràng hơn, bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo bất thường: Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý đã có những chuyển biến nghiêm trọng. Nếu chị em thấy chảy máu âm đạo không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc chảy máu âm đạo sau mãn kinh, nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Đau đớn: Do bệnh ở giai đoạn này bắt đầu di căn nên bệnh nhân thường xuyên có cảm giác đau đớn dữ dội tại vùng âm hộ, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống hằng ngày của phụ nữ.
  • Khó chịu: Cảm giác khó chịu tại vùng kín sẽ xuất hiện nhiều và thường xuyên hơn ở giai đoạn này, có thể kèm theo sự thay đổi trong thói quen tiểu tiện như tiểu buốt, tiết rắt, tiểu ra máu,…

Điều trị ung thư âm hộ ở giai đoạn này vẫn có khả năng thành công nếu được thực hiện kịp thời nhằm kiểm soát sự phát triển của khối u và ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn. Phương pháp điều trị chính vẫn là phẫu thuật, tuy nhiên, do các tế bào ung thư đã xâm lấn sâu vào các mô lân cận nên quá trình phẫu thuật có thể phức tạp và kéo dài hơn. Để tăng cường hiệu quả điều trị, xạ trị thường được phối hợp sau phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.

3. Giai đoạn 3

Giai đoạn 3 là giai đoạn có sự tiến triển nghiêm trọng hơn so với các giai đoạn trước. Lúc này, khối u đã lan rộng ra các hạch bạch huyết lân cận ở gần âm hộ. Kích thước của khối u tại các hạch bạch huyết có thể nhỏ hơn 5 mm (giai đoạn 3A) và lớn hơn 5 mm (giai đoạn 3B, 3C). Các triệu chứng ở thời kỳ này có thể bao gồm:

  • Đau dữ dội: Cảm giác đau đớn dữ dội tại vùng âm hộ xuất hiện nhiều, có thể đau lan ra các vùng lân cận.
  • Thay đổi rõ rệt trong cấu trúc âm hộ: Có thể xuất hiện các khối u lớn hoặc các tổn thương nghiêm trọng trên bề mặt âm hộ.
  • Khó khăn trong sinh hoạt: Các hoạt động hằng ngày của bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng, như việc đi lại hoặc thậm chí là quan hệ tình dục.

Tỷ lệ sống sót trong giai đoạn này giảm đáng kể, do đó việc điều trị phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Phác đồ điều trị thường bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Một số trường hợp có thể cần đến liệu pháp nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch để kiểm soát sự phát triển của khối u.

4. Giai đoạn 4

Giai đoạn 4 là giai đoạn cuối cùng của ung thư âm hộ, thường được gọi là ung thư âm hộ di căn. Lúc này, khối u không chỉ lớn mà còn đã di căn sang các cơ quan khác ở xa âm hộ như phổi, gan hoặc xương. Triệu chứng của bệnh ở giai đoạn này rất nghiêm trọng, bao gồm:

  • Đau đớn dữ dội: Cảm giác đau đớn không thể kiểm soát được và cảm giác này có thể lan rộng ra các vùng khác trong cơ thể.
  • Chảy máu kéo dài: Chảy máu từ âm đạo có thể trở nên nghiêm trọng và phức tạp hơn.
  • Suy giảm chức năng của các cơ quan: Do bệnh đã di căn đến các bộ phận khác bên ngoài xa âm hộ nên nhiều cơ quan trong cơ thể có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân trong giai đoạn cuối cùng này là rất thấp. Mục tiêu điều trị chủ yếu tại thời điểm này là làm giảm tác động tiêu cực của các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Chăm sóc giảm nhẹ, bao gồm điều trị để làm giảm đau đớn và hỗ trợ tâm lý, tinh thần cho bệnh nhân đóng vai trò quan trọng.

Cần làm gì để hạn chế tình trạng bệnh chuyển biến xấu?

Để hạn chế tình trạng ung thư âm hộ có những chuyển biến xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến sức khỏe và tính mạng, phụ nữ cần thực hiện tốt một số biện pháp phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe dưới đây:

  • Khám sức khỏe định kỳ: Thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ là rất quan trọng. Chị em nên đến gặp bác sĩ 6 tháng – 1 năm 1 lần hoặc thăm khám ngay khi có triệu chứng bất thường ở cơ quan sinh sản. Việc khám định kỳ giúp kiểm tra sức khỏe tổng quát và có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Từ đó, có những phương pháp hỗ trợ điều trị, cải thiện tình trạng sức khỏe.
  • Tìm hiểu thêm kiến thức: Tìm hiểu và nắm vững các thông tin cần thiết về ung thư âm hộ, triệu chứng và cách phòng ngừa là rất quan trọng. Điều này giúp chị em có thể nhanh chóng phát hiện ra được các dấu hiệu bất thường ngay từ giai đoạn ban đầu, có những quyết định chính xác và đúng đắn nhằm bảo vệ tốt sức khỏe của bản thân.
  • Chế độ ăn uống khoa học: Phụ nữ nên thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, khoa học và lành mạnh. Ăn đa dạng các loại thực phẩm, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là các loại thức ăn giàu vitamin và khoáng chất sẽ giúp tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, chị em cũng nên bổ sung thêm nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein từ nguồn thực phẩm sạch.
  • Thực hiện thói quen sinh hoạt lành mạnh: Thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác như caffeine, nước ngọt có gas,… đều không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với những bệnh nhân đang điều trị ung thư âm hộ. Vì thế, chị em nên ngưng ngay hoặc hạn chế sử dụng các chất này. Ngoài ra, nữ giới nên tăng cường luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để nâng cao sức khỏe tổng thể và giảm thiểu các nguy cơ mắc phải những bệnh lý nghiêm trọng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn tham khảo: Bệnh viện Tâm Anh

  1. Vulvar cancer Stages | Staging vulvar cancer. (n.d.). American Cancer Society. https://www.cancer.org/cancer/types/vulvar-cancer/detection-diagnosis-staging/staging.html
  2. Stages and grades of vulval cancer. (n.d.). Cancer Research UK. https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/vulval-cancer/stages-types-grades/stages-grades