CẶN TRẮNG Ở VÙNG KÍN – NGỨA, BỆNH GÌ – XỬ LÝ NHƯ NÀO?

Vùng kín là bộ phận nhạy cảm của cơ thể phụ nữ, bất kỳ vấn đề nào ở đây đều gây lo lắng và ảnh hưởng đến sinh hoạt. Trong đó, hiện tượng vùng kín có cặn trắng và ngứa là triệu chứng gây khó chịu phổ biến mà nhiều chị em gặp phải. Khi gặp triệu chứng này, bạn phải xử lý ra sao và chăm sóc vùng kín như thế nào để hết ngứa nhanh nhất. Mời bạn cùng theo dõi bài viết sau đây.

TẠI SAO VÙNG KÍN CÓ CẶN TRẮNG VÀ NGỨA?

Hiện tượng vùng kín xuất hiện cặn trắng, kèm cảm giác ngứa ngáy hoặc khó chịu, có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe phụ khoa khác nhau. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:

1. Do khô âm đạo

Khô âm đạo là tình trạng thiếu độ ẩm ở vùng kín của phụ nữ, gây cảm giác khó chịu, ngứa rát, đau khi quan hệ tình dục. Khi bị khô âm đạo, dịch khí hư có thể tiết ra ít hơn hoặc không tiết ra. Từ đó, khiến cho khí hư bị ứ đọng, vón cục hình thành cặn trắng.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường do sự thay đổi nội tiết tố, tác dụng phụ của thuốc, vệ sinh vùng kín không đúng cách hoặc dùng các dung dịch vệ sinh có thành phần tẩy rửa mạnh như xà phòng sulfate hay SLS.

2. Do dị ứng hoặc kích ứng

Vùng kín là bộ phận nhạy cảm, dễ bị kích ứng khi bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như thay đổi thời tiết khí hậu, thay đổi thói quen hàng ngày. Ví dụ, khi mặc đồ lót, quần áo quá chật, quá rộng, hoặc chất liệu không thoáng khí sẽ làm tăng độ ẩm và nhiệt độ ở vùng kín, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển. Hoặc, đi triệt lông vùng kín có thể làm tổn thương da và gây kích ứng, dẫn đến tình trạng vùng kín có cặn trắng và ngứa.

3. Do nhiễm nấm Candida

Tình trạng này xảy ra khi nấm candida có sẵn trong âm đạo phát triển và tăng sinh quá mức. Khi bị nhiễm nấm candida âm đạo, tùy vào mức độ viêm nhiễm, chị em thường có những biểu hiện sau:

  • Vùng kín có cặn trắng và ngứa ngáy.
  • Khí hư có mùi hôi khó chịu.
  • Cảm giác đau buốt khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục.
  • Âm đạo bị sưng tấy viêm nhiễm.

Nếu không được kiểm tra và điều trị đúng thời điểm, tình trạng viêm nhiễm có thể lan rộng từ cổ tử cung đến buồng trứng, và thậm chí lan đến khu vực xương chậu, tăng nguy cơ gây ra vô sinh và hiếm muộn.

4. Do viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu cũng là một bệnh phụ khoa khiến vùng kín có cặn trắng và ngứa. Đây là tình trạng viêm nhiễm các cơ quan sinh sản của phụ nữ, bao gồm tử cung, buồng trứng, và ống dẫn trứng.

Khi mắc bệnh viêm vùng chậu, phụ nữ có thể có các triệu chứng như vùng kín xuất hiện cặn trắng, dịch tiết âm đạo tăng nhiều và có mùi hôi. Một số biểu hiện khác kèm theo gồm đau âm ỉ, đôi khi nhói từng cơn ở vùng bụng dưới, xuất huyết âm đạo không đúng chu kỳ kinh nguyệt, đau rát khi quan hệ tình dục, cùng với tình trạng mệt mỏi và đau lưng.

Khi mắc viêm vùng chậu, bạn cần đến bác sĩ điều trị ngay. Nếu để bệnh kéo dài, có thể gặp phải nhiều tác hại và biến chứng nguy hiểm.

5. Do bệnh lậu

Lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục và do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Người mắc bệnh lậu thường có các triệu chứng đặc trưng như:

  • Cặn trắng bám thành mảng trên niêm mạc âm đạo với lượng lớn và mùi hôi khó chịu.
  • Sưng đau và khó chịu ở bộ phận sinh dục, đau rát khi quan hệ tình dục.
  • Tiểu rắt, tiểu buốt, và trong trường hợp nặng có thể tiểu có màu máu.
  • Một số trường hợp có thể xuất hiện triệu chứng như sốt, nổi mẩn bạch huyết, mệt mỏi, và chán ăn.

Bệnh lậu không chỉ gây nguy hiểm đối với sức khỏe tổng thể mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của phụ nữ, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.

6. Do viêm cổ tử cung

Viêm cổ tử cung là tình trạng sưng và viêm loét ở cổ tử cung. Bệnh dễ xuất hiện do quan hệ tình dục không an hành hoặc quan hệ thô bạo.

Ở mức độ viêm nhẹ, bệnh nhân có triệu chứng đau rát khi quan hệ, xuất hiện cặn trắng và mùi hôi ở vùng kín, và đôi khi có thể xuất hiện máu sau khi quan hệ. Trong trường hợp nặng, khí hư có thể có màu xanh hoặc vàng, tiết ra nhiều hơn, kèm theo rối loạn kinh nguyệt, đau vùng thắt lưng và vùng chậu. Tình trạng này có thể lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của phụ nữ.

7. Do ký sinh trùng Trichomonas vaginalis

Vùng kín có cặn trắng và ngứa, khí hư màu xanh hoặc vàng, có bọt và có mùi hôi có thể là dấu hiệu của bệnh viêm âm đạo do ký sinh trùng Trichomonas vaginalis gây ra. Bệnh thường lây qua quan hệ tình dục không an toàn hoặc qua đồ vật cá nhân.

Lưu ý quan trọng

Khí hư bất thường hoặc tình trạng cặn trắng ở vùng kín không chỉ gây khó chịu mà còn có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe. Hãy thăm khám bác sĩ phụ khoa định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời. Việc duy trì lối sống lành mạnh và chăm sóc vùng kín đúng cách sẽ giúp bạn phòng ngừa hiệu quả.

CÁCH XỬ LÝ VÀ CHĂM SÓC VÙNG KÍN KHI BỊ NGỨA VÀ CÓ CẶN TRẮNG

Vùng kín có cặn trắng kèm ngứa là hiện tượng thường gặp ở nhiều phụ nữ, nhưng nếu không được xử lý đúng cách, có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn. Dưới đây là hướng dẫn giúp bạn khắc phục tình trạng này một cách an toàn và hiệu quả:

1. Thăm khám và sử dụng thuốc đặc trị

  • Theo dõi triệu chứng: Khi phát hiện hiện tượng vùng kín có cặn trắng và ngứa, hãy quan sát kỹ tình trạng cơ thể trong vòng 2-7 ngày để xác định có kèm triệu chứng bất thường như mùi hôi, đau rát hoặc tiết dịch kéo dài không.
  • Đi khám bác sĩ: Nếu tình trạng kéo dài hoặc nghiêm trọng, bạn nên thăm khám bác sĩ phụ khoa để xác định nguyên nhân cụ thể và nhận phác đồ điều trị.
  • Thuốc điều trị:
    • Nấm âm đạo: Bác sĩ có thể kê các thuốc chống nấm như Canesten, Fluconazole.
    • Viêm âm đạo: Sử dụng thuốc kháng khuẩn như Metronidazol, Clindamycin.
  • Lưu ý quan trọng: Không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định chuyên môn để tránh nguy cơ kháng thuốc hoặc làm tình trạng nặng hơn.

2. Vệ sinh vùng kín đúng cách

Để đảm bảo vệ sinh vùng kín đúng cách và duy trì sức khỏe phụ khoa, bạn nên làm sạch vùng kín bằng nước ấm, tránh sử dụng bàn chải, bông tắm hoặc các vật dụng có thể gây tổn thương da nhạy cảm. Đồng thời, việc lựa chọn dung dịch vệ sinh phù hợp là rất quan trọng. Hãy ưu tiên các sản phẩm có độ pH từ 3.8-5 và chứa thành phần tự nhiên dịu nhẹ, an toàn cho vùng kín.

3. Thăm khám phụ khoa định kỳ

  • Việc khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh lý vùng kín, đảm bảo điều trị hiệu quả và tiết kiệm thời gian, chi phí.
  • Nên thăm khám ít nhất 6 tháng/lần để theo dõi sức khỏe vùng kín toàn diện.

4. Thay đổi lối sống để tăng cường sức khỏe

  • Chế độ dinh dưỡng: Ăn đủ chất, uống đủ nước, tránh đồ ăn nhanh, thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột.
  • Tập luyện thể thao: Duy trì vận động hàng ngày để tăng cường sức đề kháng.
  • Chọn quần lót phù hợp: Nên dùng chất liệu cotton hoặc vải sinh học Tencel thoáng mát, tránh mặc đồ bó sát hoặc giữ ẩm lâu.
  • Quan hệ an toàn: Hạn chế quan hệ trong thời gian điều trị, sử dụng bao cao su để ngăn ngừa lây nhiễm.

KẾT LUẬN

Hiện tượng vùng kín có cặn trắng và ngứa có thể do nhiều nguyên nhân, từ nhẹ nhàng như mất cân bằng pH đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn. Vì vậy, hãy luôn thận trọng và tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc hoặc sản phẩm hỗ trợ. Với các bước xử lý đúng cách và lối sống lành mạnh, bạn hoàn toàn có thể duy trì vùng kín khỏe mạnh và tự tin trong cuộc sống.

 

 

 

 

 

(Nguồn bài viết tham khảo: Smoovy)